Những công việc nặng nhọc tưởng chừng chỉ dành cho cánh đàn ông nhưng nhiều người phụ nữ đã không lựa chọn tô son điểm phấn, lụa là… họ chọn điểm lên mình những vết chai sần và làn da rám nắng chỉ vì nỗi lo “cơm áo gạo tiền” – Đó là hình ảnh của các O, các chị đang làm nghề bốc vác tại chợ Đông Ba.
Dưới cơn mưa, tôi bắt gặp hình ảnh chị Loan đang ngồi nghỉ ngơi sau đợt bốc hàng hóa. Lau khô những giọt nước mưa đang lăn trên khuôn mặt sạm đen vì nắng bụi, chị Nguyễn Thị Tuyết Loan (57 tuổi) chia sẻ: “Tôi làm nghề này được hai mươi mấy năm rồi, từ lúc còn con gái đến chừ. Vì không biết làm nghề chi, sợ mình không đủ tiêu chuẩn để làm các ngành nghề khác nên làm nghề này họ kêu là có tiền ngay để lo cho gia đình.”
Hằng ngày các o, các chị đến chợ lúc tờ mờ sáng, mỗi người mỗi chiếc xe đẩy, quầy nào cần thuê mướn thì tranh thủ nhận ngay, rồi lại khệ nệ bốc vác hàng hóa theo yêu cầu của chủ quầy. Họ không phân biệt đó là hàng gì, cũng chẳng cần biết hàng đó nặng bao nhiêu, chỉ cần có hàng là họ nhanh chân đến nhận kẻo lỡ bị người khác tranh mất. Khi tôi hỏi về số tiền kiếm được, chị Loan cho hay: “Cứ mỗi lượt kéo xe hàng là được tầm vài ngàn cho đến hai mươi ngàn thôi. Nên chúng tôi đều phải tranh thủ làm từ lúc sáng sớm đến tối muộn để kiếm được nhiều tiền hơn. Trong khi đó có lúc làm hư hoặc mất hàng phải đền tới mấy trăm ngàn. Nhưng làm quen rồi, hầu như không có chuyện làm mất hay hư hàng hóa của họ.”
Nhìn các chị người thì đẩy xe, người thì vác các bao hàng to tướng làm chân tay tôi cũng bủn rủn, tự hỏi tại sao lại có những người phụ nữ phi thường đến vậy. Dù các thùng hàng có nặng đến đâu, các chị vẫn bước đi thoăn thoắt, miệng mỉm cười chào nhau với vài ba câu chuyện trò.Trời mưa mỗi lúc một lớn, tiếng thở dài của chị Loan như đánh thức tôi tỉnh dậy từ mớ suy tư của mình. Đôi mắt nhìn về hướng xa xăm, chị Loan tâm sự: “Gắn bó với nghề hơn hai mươi năm, xương khớp tôi bây giờ cũng đau nhức. Nhiều khi ngồi được một lúc tê chân đứng dậy không được. Mỗi ngày hai vợ chồng chi tiêu tằn tiện để có đồng dư ra mà dùng đến lúc đau ốm, còn phải tiết kiệm cho mùa lũ nữa, chứ tới khi lũ lụt không có việc mà làm. Hiện tại ông trời cho sức khỏe đến đâu thì làm đến đó chứ không dám nghĩ đến xa hơn.”
Làm cái nghề này vất vả đến vậy, nhưng vì mưu sinh họ đã quên đi mình là những người phụ nữ, vì miếng cơm manh áo họ đã chấp nhận hy sinh cả tuổi xuân của mình. Dưới cơn mưa tầm tã, tiếng của một người chủ quầy cất lên “Cần đưa hàng ra xe đi Phú Vang, có ai nhận không?...” Vội vàng chỉnh lại bộ áo mưa, nở nụ cười thật tươi chị Loan chia tay tôi để kịp nhận chuyến hàng. Nhìn bóng lưng chị tất bật bốc hàng lên chiếc xe đẩy cũ kỹ, tôi chỉ thầm mong các chị có thật nhiều sức khỏe, một bờ vai vững chắc và đôi chân thật mạnh mẽ để có thể tiếp tục mưu sinh. Câu chuyện của chúng tôi kết thúc bằng một cơn mưa chiều nặng hạt. Tuy buồn đến thế, nhưng nụ cười của chị Loan lại làm tôi cảm thấy lạc quan và yêu đời hơn bao giờ.